Friday, November 30, 2012
Đường Mòn Hồ Chí Minh Thanh Niên Xung Phong
Số phận của kẻ thua trận thì đã nhận đủ thứ thiệt thòi từ kẻ chiến thắng.
Nhưng kẻ thắng trận mà “Xương trắng Trường Sơn”, mà “Mạng người như lá rụng” mà ” Đương đi không đến’ thì cái lẽ thắng thua chẳng hiểu còn có nghĩa lý gì !! Ai là những người chủ xướng cuộc chiến tranh được trả giá bằng xác người này?
Thắng mà bằng cái giá phải trả là một đổi lấy 5 lần thì còn có nghĩa là thắng hay không! (Thời chiến tranh Đông Dương là một đổi ba). Dù lạc quan cách mấy- dù không nói ra- Sự thiệt hại và tổn thất về người về phía cộng sản là lớn lao. Người ta không thể dấu được sự thiệt hại ấy. Mặc dầu không một hồi ký nào của tướng lãnh cộng sản dám nói sự thật về tổn thất nhân mạng này.
Sự tranh chấp nội bộ đi đến chỗ có thể thủ tiêu lãnh tụ đồng thời dứt điểm với vụ án ”Xét lại chống Đảng” trong đó có một số lãnh đạo cao cấp bị bắt giam đồng loạt năm 1967- Một năm trước vụ tẩn tống công Tết Mậu thân 1968-.mang ý nghĩa quyết định.( Những người bị bắt như Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Phạm Viết, Thiếu tướng Đặng Kim Giang vv..và Vũ Thư Hiên ..)
Đó là sự thắng thế của phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và tướng Nguyễn Chí Thanh.
Không có việc thanh toán nội bộ này bắt đầu từ tháng 7/1967 thì có diễn ra vụ Tết Mậu Thân được không? Những người bị xử lý này, theo Vũ Thư Hiên là những người tù không có án cho mãi tới 1973 mới lần lượt được thả. Có người thì đến năm 1976 mới được thả.
Sự im lặng của hầu hết ” lãnh tụ” miền Bắc lúc bấy giờ đồng nghĩa với sự đồng lõa và bội phản.
Theo Vũ Thư Hiên thì Hồ Chí Minh kể như đã ” chết ” dưới mắt một số người. Ông Hồ bị cô đơn, dù là cô đơn trong quan điểm riêng của ông. Trường chinh im lặng ” lầm lũi ở ẩn trong sự đường bệ” còn sót lại. Phạm Văn Đồng im lặng trong sự ba phải vụng về và vô tích sự vốn có của ông. Ông không muốn mất lòng ai cả, nhất là cấp trên – Mà cấp trên của ông là Lê Duẩn. Lê Đức Thọ.
Nhất là nhân vật chính yếu là Võ Nguyên Giáp, cũng im lặng để khỏi trả giá đắt như Vũ Đình Huỳnh.
Nói về những việc như thế này, nhà văn Nguyễn Tuân đã phải gián tiếp ví von là:
“Nước ta là một pháp trường trắng, không có đầu rơi, không có máu chảy, mà có người chết”.
Thật ra nói như Nguyễn Tuân thì cũng chưa đủ nghĩa. Người chết ở đây không phải là những cán bộ Đảng mà là hơn hai triệu người đã chết trong cuộc chiến tranh “Giải phóng miền Nam” này .
Tuy nhiên, mọi người có thể đồng ý với nhau là không có cách nào tính được con số thương vong chính xác về phía cộng sản Hà Nội – dù chỉ là một sự chính xác tương đối-.
Xét về mặt đức lý hay mặt nhân bản mà kết thúc cuộc chiến bằng cái giá một đổi lấy năm là một xúc phạm đến phẩm giá con người, là một hy sinh vô ích, là một phí phạm không tha thứ được.
Vậy mà có cái kẻ lãnh đạo đã có lần phát biểu: Con người là vốn quý nhất. Câu nói đó được ghi trong sách Giáo Khoa, trong các buổi học tập .. Vậy mà cũng chính con người ấy mang vốn quý nhất của con người để đổi lấy điều được gọi là “Độc lập, Thống Nhất, Tự Do và Dân chủ”!!!
Đây là một thực tế tàn bạo và đen tối nhất của cuộc chiến này mà mọi người- nhất là kẻ chiến thắng- không muốn ai nhắc tới.
Cuộc chiến Mậu Thân đã thất bại mà theo ông Mười Hương, Cục trưởng K.68 cho hay mục đích là chiếm Đài phát thanh Sài Gon, đánh tòa đại sứ Mỹ, bắt sống đại sự Martin, đánh Dinh Độc Lập để bắt Nguyễn Văn Thiệu, để chúng phải tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh Sài Gòn.
Cuộc tổng công kích Mậu Thân với ba đợt tấn kích và mỗi lần cho thấy sự thất bại vì không đạt được mục tiêu đề ra và số thương vong không phải là ít !!
Người ta đành lòng phải dựa theo những ước tính tổng quát theo những con số của tài liệu của Mỹ được coi là khả tín hơn cả thì:
- Phía người Mỹ có 52.227 người bị giết.(23.000 nhiều hơn trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên).
- Phía quân đội Sài Gòn, con số chính thức là 188.000 người bị chết và 430.000 bị thương.
- Phía Bắc Việt là: 920.000 người chết.
- Phía thường dân trong miền Nam là 350.000 bị giết và 950.000 bị thương
- Có 300.000 trẻ em mồ côi.(1)
(1) Trích L’Aigle et le Dragon, Claude de Groulat, trang 293-294
Số phận của họ nào chết bom đạn, chết vì đói ăn, vì bệnh tật như sốt rét ngã nước hay suy dinh dưỡng là đáng kể.
Họ, những lính cụ Hồ mới là những người lính chết đủ kiểu: chết trong rừng già, bên bờ suối, bờ ruộng, trong hầm trú ẩn, trên đường mòn Hồ Chí Minh, trên những địa danh như Pleime, Dakto, Hạ Lào, Mậu Thân Huế, Quảng Trị, Khe Sanh.
Chỉ riêng trận Khe Sanh mà theo Peter Brush trong bài The Battle of the Khe Sanh, 1968 cho thấy bom đạn khủng khiếp như thế nào.
- Pháo binh Mỹ đã rót 158.891 quả đạn sang phòng tuyến địch
- Máy bay chiến đấu của lực lượng không quân số 7 đã xuất hành 9.691 chuyến bay
và thả 14.223 tấn bom và đạn Rockets.
- Máy bay của thủy quân Mỹ xuất hành 7.078 chuyến bay và thả 17.015 tấn bom
-Máy bay từ các Hàng không mẫu hạm xuất hành 5337 lượt và thả 7.491 tấn bom ..
- Máy bay B.52 xuất hành 2.548 lượt và thả 59.542 tấn bom và trang bị xuống Khe Sanh.
- Số binh lính tử trận về phía cộng sản vào khoảng từ 10.000 đến 15.000 người chỉ riêng trong trận Khe Sanh.
Tổng cộng chung có 14 triệu tấn bom đã được sử dụng tại VN.
Nhà báo Oriana Fallaci cũng có dịp đi quan sát trận địa Khe Sanh cho biết: toàn bộ sư đoàn 325, niềm tự hào của tướng Giáp đã biến mất dưới những trận mưa bom của Mỹ và được gọi là: “Điện Biên Phủ thứ hai”!
“Và nhóm 50 người đầu tiên của đại đội Delta đã tới được những giao thông hào và ở đó người ta tìm thấy hàng chục khẩu moóc chê để lại, những dàn phóng rốc két, rồi liên thanh hạng nặng, những cái nón do Liên Xô chế tạo, thùng còn đầy đạn, nhiều ba lô và 400 cái xẻng mới ..”.(02)
(02)Trích Oriana Fallaci La vie, la guerre et puis rien …trang 241
Nhìn cái cảnh “để lại tại trận Khe Sanh” et puis rien như Oriana Fallaci vừa mô tả cho thấy chiến tranh vừa tàn bạo, vô tình đến vô nghĩa, nhưng cũng vừa bất nhẫn đến không hiểu được.
Bài viết này xin đưa ra một số chứng từ tiêu biểu nhất về số phận những kẻ đã “Hy sinh”, đặc biệt là giới trẻ miền Bắc, trong đó thành phần Thanh niên xung Phong trên tuyến đường Trường Sơn- trong đó có trường hợp của nhà văn Dương Thu Hương-.
Đây là vết thương chiến tranh gây chết chóc và thương tâm nhất của cuộc chiến đã cố tình bị kẻ chiến thắng cố tình bỏ quên. Mỗi năm, có những buổi lễ lạc mừng chiến thắng nhân dịp 30 tháng tư. Vui mầng lắm, hãnh diện lắm. Nhưng có buổi tưởng niệm nào dành cho những người đã chết trên đường Trường Sơn?
Về Đường mòn Hồ Chí Minh
Theo nhà báo Phan Nghị, “Sau Hiệp định Genève, người ta bỏ đoạn đường Quảng Ngãi- Bình Định không dùng tới nữa. Từ Bắc vào, tới khu vực Bến Hải, họ đi men theo dãy Trường Sơn rồi vào mật khu Đỗ Xá, ở đó là Tổng trạm giao liên, từ Đỗ Xá, họ xuống khu Kon Tà Nừng, tới Chu Lya và đi về phía Khánh Hòa.
Từ Khánh Hòa sẽ có hai con đường, một đi vào Lâm Đồng đê sang chiến khu D, một đi xuống Ninh Thuận, Bình Thuận rồi tới mạn Biên Hòa, rừng Sát… (..)
Cuộc Nam Tiến của Bộ đội chính quy Bắc Việt bắt đầu dồn dập từ những năm 1962. Trước khi xuất quân, họ được bồi dường trong khoảng một thời gian là 8 tháng. Tiêu chuẩn bồi dường là 2đ40 (tiền Bắc Việt một ngày).
(..) Khi tới gần Bến Hải, sắp sửa vượt Trường Sơn thì các cán bộ thu hết các quân hàm, phù hiệu, huy chương và không cho phép một ai đuợc giữ những hình ảnh ở trong túi. Giầy vải cũng phải bỏ lại để đổi lấy dép Bình Trị Thiên. Và mũ bần thì đem đổi lấy mũ vải rộng vành. Cũng từ đó họ bỏ cờ đỏ sao vàng để dùng cờ của MTGPMN và bài”Tiến quân ca” cũng được thay thế bằng bài ” Giải phóng mền Nam”.(03)
(03)Trích Phan Nghị, vượt Trường Sơn, các trang 185-187.
Để phù hợp với chủ trương “chiến tranh giải phóng miền Nam” do MTGPMN chủ xướng, Hà Nội còn có chủ trương nhằm đánh lừa dư luận thế giới như sau :
“Giai đoạn này, những cán bộ miền Nam tập kết đưa ra Bắc trước kia đều có bổn phận phải trở về Nam, không về cũng không được, ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng về sức khỏe và nhu cầu công tác ở miền Bắc .. Như vậy, cho đến cuối 1965, xem như chính quyền Hà Nội đã vét hết dân Nam bộ tống khứ về Nam (…) Trở lại số cán bộ mùa thu, ta thấy đó là cả một cuộc “dốc túi” vét sạch. Dù là quân đội hay dân chính, dù là đảng viên hay quần chúng, dù là nhiều con hay ít con, gia đình đủ ăn hay thiếu mặc, dù là thành phần cơ bản hay lưng chừng, dù là có đủ sức khỏe hay không, không sao cả, miễn rằng không là đàn bà, là trẻ con, là ốm liệt giường hay mang bệnh hiểm nghèo đều được chỉ định về Nam” .(04)
(04)Trích Kim Nhật, Về R, 249-251
Ở đây cần phải nói rõ là chính sách và đường lối do Lê Duẩn đề ra mặc cho sự bất đồng ý kiến của Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh vốn không muốn tiến hành một cuộc Tổng tấn công miền Nam.
Theo nhà báo Sơn Tùng, trong một bài nói chuyện ngày 27/1/2001 tại trường cán bộ Quản lý Giáo dục đào tạo tiết lộ cho biết:
“Trong bài viết của ông Vũ Ký(thư ký riêng của ông Hồ) mà ta đọc báo ta không để ý ông viết kín đáo để đăng báo Văn Nghệ, báo Tiền Phong, báo Nghệ An số tết 1998, hồi đó ông chủ trương đăng trên ba tờ báo đó. Nội dung bài bào là: năm 1967, Bộ chính trị mời Bác Hồ đang chữa bệnh ở Trung Quốc về để thông qua việc tổng tiến công 1968. Khi họp lần thứ nhất bác đã không đồng ý chủ trương tổng tiến công nổi dậy . Bác chỉ đồng ý tập kích chiến lược rồi rút ngay. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chủ trương như vậy, nhưng bị thiểu số nên đành đi chữa bệnh ở Hungary. Nhưng sắp đến tết (Mậu Thân) rồi nên phải thông qua chủ trương đó để đi vào cái tết, nên phải mời Bác về, ông Vũ Kỳ viết bài báo như sau:
Trên máy bay chỉ có Bác, ông Vũ Kỳ và người lái máy bay chuyên cơ của Bác từ Trung Quốc về. Lúc đó đã báo cho bộ đội phòng không từ giờ này… đến giờ này, trên bầu trời ta từ hướng này … phương vị này. Tuyệt đối là không nổ súng . Thời đó đang chiến tranh, vào giờ đó xuất hiện máy bay của ta Khi máy bay về tới vùng trời Hà Nội, sân bay Nội Bài khi đó là sân bay quân sự nên máy bay xuống sân bay Gia Lâm. Người lái báo cho anh Vũ Kỳ ngồi bên cạnh (Bác ngồi sau hút thuốc):
- Thưa anh, tín hiệu đường bay lệch 15 độ, bây giờ làm sao đây ạ?
- Quan sát lại đi, ông Vũ Kỳ nói
- Em là người lái mà, lái máy bay cho Bác thì em nhìn sai sao được, người lái nói .
Máy bay lượn hai vòng không dám xuống, xăng hết rồi, giờ quy định cũng đã hết rồi, phòng không họ bắn chết, mà xuống theo tín hiệu thì không an toàn ..
Cuối cùng xuống theo trí nhớ của người lái chứ không xuống theo đèn tín hiệu, vì trên máy bay báo đi báo lại, nhưng dưới sân bay vẫn không thay đổi, đèn ” tính hiệu chệch” dưới, vẫn cứ để thế, không sửa. Vòng một vòng và máy bay chạm đất an toàn, thở đánh phào một cái, Bác vẫn ngồi tĩnh lại hút thuốc, ở dưới sân bay vẫn yên tĩnh .
An toàn rồi anh ơi (Mừng quá nói to lăm, nhưng Bác làm như không nghe thấy).(05)
(05)Trich trên Blog Ba Sàm, đăng lại ngày 14/9/2011
Thật ra những tiết lộ “động trời” như trên của nhà báo Sơn Tùng là quá chậm. Vừa chậm vừa không đầy đủ.
Ông Hoàng Tùng đã gián tiếp nói tới trong 10 nỗi đau của Bác Hồ, trong đó có vấn đề tranh chấp nội bộ Đảng.
Vũ Thư Hiên, trong Đêm giữa ban ngày cũng đã gián tiếp nói tới như sau:
“Tại nhiều cuộc nói chuyện với cán bộ, Lê Duẩn không bỏ lỡ dịp tốt nào công kích ” quan điểm xét lại của một số đồng chí sa sút lập trường, sợ đụng đầu với bọn đế quốc quốc tế, làm nô lệ cho vũ khí luận, quên mất rằng yếu tố quyết định chiến tranh là sức mạnh chính nghĩa, là sức mạnh nhân dân”.(06)
(06) Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Tiếng Quê Hương, Virginia, trang 384
Đứng ở quan điểm của người bây giờ nhìn lại sự việc, tôi chỉ thấy cái Hèn của người cộng sản, trong đó có Võ Nguyên Giáp ..
Trong cuốn sách mới nhất viết về Hồ Chí Minh, William J. Duiker cũng đã đưa ra một số nhận xét chính xác như sau:
Quan điểm của Lê Duẩn nay đã rõ ràng là tư tưởng chỉ đạo về sách lược chiến tranh của Hà Nội. Lê Duẫn đã coi thường và chế nhạo sự lưỡng lự của Hồ Chí Minh không dám chọn lựa giải pháp quân sự và muốn dựa vào ngoại giao. Phần Lê Duẩn, ông cho rằng ngay tư khi rời miền Nam thì ông đã chuẩn bị mọi thứ. Tôi chỉ có một mục tiêu: Đó là sự chiến thắng cuối cùng.(07)
(07) Ho Chi Minh, William J . Duiker, tóm lược 533-534
Nguyễn Chí Thanh đã hỗ trợ cho quan điểm “diều hâu” của Lê Duẩn . Người mà Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh lo ngại hơn cả là Võ Nguyên Giáp, vốn có cái uy tín quần chúng chỉ đứng sau Hô Chí Minh. Võ Nguyên Giáp đã có quan điểm làm sao tiến hành cuộc chiến tranh ở miền Nam .. Đó là Võ Nguyên Giáp tỏ ra lo ngại phải đối đầu trực diện với người Mỹ bao lâu quân đội của ông chưa được huấn luyện kỹ càng và được trang bị bằng những vũ khí tân tiến ..Vì thế, ông phản đối chiến tranh du kích của Ngyễn Chí Thanh và Lê Duẩn, ông nghiêng về một cuộc chiến tranh quy ước. Giáp lo ngại chẳng khác gì tự sát nếu chọc giận Moscou và nếu không được sự hỗ trợ huấn luyện và võ khí thích hợp ..
Nhưng cũng như Phạm Văn Đồng, Giáp im lặng một cách khó hiểu trước sự đối đầu một cách kiêu căng của Lê Duẩn .. Trong các buổi họp của Bộ chính tri, Giáp thất bại không dám nói mạnh mẽ về đường lối kỹ thuật chiến tranh của nhóm Lê Duẩn.
Còn đối với Hô Chí Minh thì mặc dầu được coi là nguy hiểm nhất chống lại nhóm Lê Duẩn vì chính con người của HCM với những thành tích quá khứ. Nhưng càng ngày xem ra thái độ của nhóm Lê Duẩn tỏ ra coi thường Hô Chi Minh, bởi vì họ cho rằng nay HCM mất cái nhạy bén chính trị và càng tỏ ra lúng túng trong những suy nghĩ của Ông ta. Dư luận ở Hà Nội còn đồn thổi là Lê Duẩn đã có kế hoạch thay thế chủ tịch Hô Chí Minh bằng đại tướng Nguyễn Chí Thanh. NCT đã được giao phó nắm giữ vai trò Giám đốc cơ quan nghiên cứu chủ nghĩa Mác Xít- Lê ni nít ..
Cuối cùng có thể nói, nhóm Lê Duẩn đã loại trừ Ho Chi Minh vào thế phải im lặng..(08)
(08) Ho chi Minh .. Ibid, tóm lược 536-538
Trước khi tiến hành Tổng Công kích Tết Mâu Thân, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và đám bộ hạ, cộng thêm Tố Hữu đã đi một chuyến viếng thăm Bắc Kinh và sau đó đến Liên Xô..
Con đường tiếp vận mà Lê Duẩn dùng để tiến hành cuộc chiến tranh đánh chiếm miền Nam vẫn là Đường mòn Hồ Chí Minh. Nó được xây dựng từ năm 1950. Nhưng kể từ năm 1959, có chiến dịch cho bộ đội Việt Minh xâm nhập vào Nam mỗi ngày một nhiều. Đường mòn HCM mới thực sự trở thành con đường huyết mạch vận chuyển người và võ khí vào miền Nam.
Không có con đường này và không có cuộc Trung lập hóa Lào do cái sai lầm của chính quyền Kennedy, cuộc chiến đã hẳn khác. Chặn được con đường này, chiến tranh sẽ đem đến một hậu quả không giống như ngày hôm nay.
TT. Nixon viết: “We failed to prevent North Viet Nam from establishing a key supply route, the Ho Chi Minh Trail, through Laos and Cambodia “.(Chúng ta đã thất bại trong việc ngăn chặn Bắc Việt thiết lập một con đường tiếp vận chính là đường mòn Hồ Chí Minh đi qua Lào và Cambodia)(09).
(09) No more Vietnams, Richard Nixon, trang 47
Năm 1964 có 12.000 người và 33.000 vào năm sau. Từ 1966 đến 1971, con số lên tới 600.000 quân đội Bắc Việt được chuyển vào Nam qua đường mòn này.
Hàng vạn TNXP đã được điều động để xây dựng trên tuyến đường này. Sự tuyên truyền khéo léo, che dấu đã cho thấy nhiều thanh thiếu niên đã tình nguyện xông pha vào “cõi chêt” vì bom Mỹ bỏ ngày đêm.
Họ đã chết bỏ xác tại trận hay chết cho chính tương lai tuổi trẻ của họ sau này- không chút đền bù- như một đồ dùng phế thải.
Viết về họ là xót thương cho tuổi trẻ VN.
Claude de Groulat đã dành hẳn chương XVIII trong sách của ông để nói về con đường mòn này. Đây là con đường chiến lược vận chuyển người và vũ khí, dài khoảng 4000 cây số, chằng chịt những đường nhánh, có nơi chỉ rộng độ một thước, có nơi có thể cho hai đường xe qua lại. Thời gian thuận lợi nhất cho việc vận chuyển là từ các tháng giêng đến tháng tư.
Để đi trọn con đường mòn này, thời gian phải mất là từ 3 đến 5 tháng . Số lượng tổn hại trên đường mòn là 15% hoặc hơn thế nữa do bom đạn Mỹ, bệnh tật và đào ngũ.
Người Mỹ Đã dành hơn phân nửa số máy bay của không quân Mỹ dùng vào việc bỏ bom con đường này mà mục đích chính là ngăn chặn ít ra là một phân nửa số tiếp liệu từ miền Bắc vào Nam. Họ đã phải trả một giá đắt cho mỗi tấn tiếp liệu từ miền Bắc vào Nam .
Hàng ngày có khoảng 380 lượt máy bay C-119, C-130 hoặc B.52 thả bom suốt dọc con đường này ..Trong đó có bom hóa học để đốt cháy rụi cây rừng mà một ngọn cỏ cũng không mọc được. Chưa kể các tín hiệu điện tử được gọi là Igloo White thả xuống mỗi khi có tiếng động hoặc sư vận chuyển của chân người hay xe cộ đi qua sẽ báo động cho trung tâm ở phi trường. Hoặc hệ thống Pave way dùng các tia sáng laser. Khi mục tiêu bị phát hiện, máy bay bắt được tín hiệu thì hệ thống Pave way giúp máy bay thả bom theo sự chỉ dẫn của hệ thống tìm ánh sáng ..(09)
(09) Trích L’Aigle et le Dragon, Claude de Groulat, nxb Rossel, các trang từ 246-250.
Họ những TNXP là những kẻ hy sinh nhiều nhất, kẻ thiệt thòi nhiều nhất, kẻ không được hưởng chút ân huệ nào của chính quyền cộng sản.(TNXP).
Phải nói họ là những con vật thí cho sự thử thách giữa tiến bộ kỹ thuật và sức chịu đựng và sức xây dựng của bàn tay của con người.
Đọc Phan Nghị trong Vượt Trường Sơn, trang 88 để thấy những trận bom lân tinh ( Bombe Phosphore) mà Claude de Groulat vừa nói đến ở trên .. nó khủng khiếp như thế nào .
“Loại bom này mới được đem xử dụng ở các chiến trường từ mấy tháng nay. Nó có một sức cháy dai dẳng nửa ngày cũng chưa hết. Và khói của nó có mùi thối, có tác dụng xua đuổi tất cả những loài sinh vật trong đó kể cả giống người phải chui ra khỏi các hầm hố. Chất khói của nó bám vào người thì cũng chẳng khác gì như khi ta bị con giời leo bò trên da thịt”.(10)
“Và khi về đến phi trường theo nhận xét của Phan Nghị về các phi công vừa đi ném bom về:
“Các phi công ai nấy đều tươi cười nhảy xuống phi cơ .Tôi khộn đọc thấy, không nhận thấy, và cũng không nhìn thấy một nét căm thù nào biểu lộ trên khuôn mặt của họ cả .. Họ đánh giặc rất thản nhiên và vui nhộn“(10)
(10) Vượt Trường Sơn, Phan Nghị, trang 83 đến 91
Đường mòn là một thứ Holocaust của chiến tranh hiện đại. Tất cả con đường đều được xây dựng bằng tay và ở hai bên vệ đường có trồng tre, che khuất đến nỗi máy bay không thể nào khám phá ra được.
Họ là những người đi trước mà về sau. Trước những trận đánh, họ luôn luôn đi trước để mở đường, xây dựng chiến tuyến, rồi trực tiếp tham gia chiến đấu, cuối cùng, họ lại chính là những người về sau thu dọn chiến trường, tải thương, chôn cất liệt sĩ”.(11)
(11 )Trích bài viết của Francois Guillemot: Trực diện nỗi đau và cái chết, Trương Hòa dịch, Talawas 2010 .
Có nhiều người trong bọn họ rời nghế nhà trường ở tuổi 13, 15 tuổi, trở thành TNXP” Giải phóng miền Nam” mà độ tuổi từ 13 đến 24 tuổi. Phần đông họ là các cô gái học sinh, không kiến thức quân sự, chưa một lần xa nhà, ban đêm vẫn còn sợ ma đã được nhanh chóng ném ra chiến trường.
Có những đơn vị cấp tốc được thành lập, không được trang bị, ngay một đôi dép cũng không có, hoặc có không đúng cỡ, đi chân đất, bàn chân phổng rộp. Một số đội viên đã ngã xuống ngay từ những ngày đầu ở chiến trường vì bom đạn Mỹ, hoặc do rắn cắn chết mà chưa có một ngày cống hiến.
Khẩu phần ăn rất thất thường mặc dù trên nguyên tắc phải được ăn uống đầy đủ. Tiêu chuẩn là 24 kg/đầu người. Thực tế khắt khe của chiến trường do phải di chuyển để tránh bom Mỹ nên thường ở trong tình trạng thường xuyên thiếu thốn lương thực, thuốc men và quần áo.
Tháng chỉ được phân phát 4kg/đầu người. Thay vì 24 kg.
Có khi khát quá, họ thấy một hố bom thì vội vã múc uống cho đã khát và cho vào bi đông. Nhưng đến khi nhá đèn Pin mới phát hiện nổi lềnh bềnh xác người chết đa thối rữa .
Sự hy sinh của đội quân TNXP mà tỷ lệ nữ chiếm một nửa hoặc 70 đến 85% ..
Sự hy sinh của họ là vô bờ bến, bất kể đến quy luật thể lý của người phụ nữ như thời kỳ kinh nguyệt vv..
Trong chiến tranh, không ai có thời giờ nghĩ tới cái băng vệ sinh của người phụ nữ khi có kinh nguyệt.
Nhân vật Thu-một nhân vật chính trong các hồi ký của Xuân Vũ cũng từng lội qua suối khi có kinh nguyệt. Tác giả Xuân Vũ viết:
“Chập sau, thấy Thu hơi tỉnh người lại, tôi hỏi:
- Em thấy trong mình thế nào?
Thu lắc đầu. Đôi môi Thu khô ran như muốn nứt ra. Nước da của Thu vừa xanh vừa tái. Quần áo ướt đẫm. Tôi chú ý thấy dưới đít võng những giọt nước hồng hồng.
Thì tôi biết Thu vẫn khó ở . Và có thê Thu ốm nặng vì cái trân lội suối này. Tôi ái ngại cho Thu vô cùng. Tôi muốn tìm ông bác sĩ Năm Cà Dom nhưng không thấy ông ta ở đâu “.(12)
(12) Xương trắng Trường Sơn, Xuân Vũ, trang.
Xuân Vũ kết luận: Cô Thu, sau năm năm tình duyên và công tác chìm nổi, đã mang một chứng bệnh kinh niên mà nguồn gốc phát sinh từ lúc cô vượt sông và ngâm mình dưới suối …
Do đó, cô trở thành phế nhân, suốt năm năm không biểu diễn được một màn nào . Vì thế, cô được ” ân huệ” cho về Bắc cũng bằng đường Trường Sơn, với cặp chân cô ta, như lúc cô vào Nam” .(13)
(13) Xuân Vũ Ibid, trang Thay lời tựa
Phần Thu: Thu sợ tất cả mọi hòn đá trên mặt đường. Mà cái mặt đường vinh quang, đường giải phóng miền Nam này có chỗ nào là không lởm chởm đá và gai ” (14)
(14)Trích Xuân Vũ, Đường đi không đến, trang 20
Phải đi qua con đường ấy, phải đã từng trải nghiệm cuộc sống khó khăn nguy hiểm ngày đêm trên con đường ấy mà theo như lời Xuân Vũ :
“Tôi biết rằng con đường về là con đường đầu thai một lần nữa, con đường về là con đường đói khát, con đường sấm sét, con đường đau khổ và gian khổ, con đường dốc, con đường dài, con đường đi không đến mà rồi vẫn phải đi, trên vai phải mang theo những sứ mạng bày đặt, không biết ai trao cho, một thứ vinh quang không có, một thứ tình cảm ái quốc cũngg iả tạo nốt, chỉ còn lại có tình cảm gia đình là thực mà thôi(15).
(15)Xuân Vũ, Đường đi không đến, trang 11
Các cô gặp phải các trường hợp tắt kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt hoặc đau đớn trong hoàn cảnh thiếu thuốc men và băng vệ sinh. Băng vệ sinh chỉ là một miếng vải mà thôi. Về vấn đề vệ sinh vùng kín của phụ nữ ít được đề cập đến và chẳng ai muốn rắc rối đặt thành vấn đề.
Da dẻ các cô nổi ghẻ, tóc trên đầu đầy chấy rận. Các bộ phận kín trong cơ thể ngứa ngáy đến phát điên. Các cô gái còn thường xuyên bị các loại bò cạp, nhện rừng gây ra những vết cắn, nhức, sưng tấy. Các loại bọ “đen và to”, các loại côn trùng đủ loại tham lam hút máu người gây ngứa ngáy, sưng tấy trên da thịt.
Thân thể mỏi mệt và ẩm ướt nơi các vùng kín là nơi lý tưởng thu hút bày muỗi và ruồi vàng nhiều vô kể. Tất cả đã khiến cho cơ thể nhiễm các cơn sốt làm mỏi mệt và tàn tạ dần dần.
Phần đàn ông như theo sự hiểu biết qua những cán bộ Hồi Chính, Phan Nghị ghi nhận:
“Người ta cũng còn được biết rằng những người lính của MTDTGPMN hoạt động ở vùng 4, một số lớn hiện đang mắc phải một cái bệnh quái đản: Họ bị chứng di tinh, nó bắt đầu bằng một hiện tượng xuất tinh sớm . Nguyên nhân là bộ phận tinh sách thần kinh hưng phấn quá mau..”
(Trích Phan Nghị IBID, trang 105)
Họ luôn sống trong một thế giới bị đe dọa bởi thiên nhiên và sự đe dọa từ trên trời.
Không được thuốc men, không được thường xuyên tắm rửa, các vùng kín như háng, nách, kẽ bàn tay, ngay cả đầu vú trở thành chỗ cho các nấm mọc. Các vùng ẩm ướt bị quấy rầy bởi đủ thứ bệnh ngoài da dần dần ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của các chiến binh.
Lãnh đạo Hà Nội “lo ngại”, nhưng những người lãnh đạo quân đội ở Hà Nội chỉ biết gửi thuốc đỏ để gửi cho họ. Thuốc đỏ nào có thể chữa trị được các nấm, các vùng da khô cháy nứt nẻ, các bệnh đường ruột và nhất là tinh thần căng thẳng đến kiệt sức.
Cái đói gặm mòn tuổi trẻ các cô gái. Đôi khi chỉ có cháo mà ăn. Muối đường thiếu và rau tươi thì hầu như không có. Họ phải tìm kiếm hái rau rừng. Vào mùa mưa thì măng rừng mọc rất nhiều trở thành nguồn rau chủ yếu.
Vậy mà Nguyễn Văn Đệ đã viết ca tụng về: Một thời oanh liệt của TNXP ..
Nhưng riêng Dương Thu Hương- kẻ trong cuộc, người đã nếm trải nghiệm đủ và viết như thế này :
“Tôi nằm xuống ván, gối đầu lên tay, đăm đăm nhìn kèo hầm. Dọc theo kẽ nứt của cây kèo, một đàn rệp béo mọng xếp hàng nằm nghỉ. Lũ rệp thời chiến là những ông Hoàng Bà Chúa. Chúng được tự do và luôn luôn no đủ. Người ta hiến máu cho chúng một cách vui vẻ, so với lệ phí của bom đạn thì đó chỉ là những khoản thuế còm” .(16)
(16)Dương Thu Hương, tiểu thuyết Vô Đề, Stanton, CA, Văn Nghệ, trang 68
Trường hợp 10 cô gái ở Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã bị hy sinh, được tôn vinh và được ghi lại như sau : ” Ngày 24 tháng bảy 1968, sau 18 lần địch đánh phá, một loạt quả bom đã thả trúng vào hầm, mười cô gái Đồng Lộc đã hy sinh vào lúc 5 giờ chiều, trong tư thế tay vẫn còn cầm dụng cụ sản xuất “.(17)
(17)Trích bài viết của F. Guillemot : 10 cô gái Ngã ba thuộc ty Giao thông Hà Tĩnh, Anh hùng quê hương 1975.
Hậu quả là đưa đến tình trạng một số trong bọn họp hoặc tự tử, hoặc đào ngũ hay mất tích.
Theo Xuân Vũ, người ta tìm thấy trong sắc cốt hoặc trong túi áo các xác chết có những truyền đơn được thả xuống từ máy bay kêu gọi các cán binh cộng sản về đầu hàng, hoặc những chỉ dẫn cách thức về đầu hàng như thế nào ..Đó là những người lính có ý đính đào ngũ mà chưa có dịp thực hiện được thì đã bị bom đạn giết chết .
Phần Phan Nghị cho rằng một khi vượt Trường Sơn vào đến miền Nam, họ có nhiều cơ hội đào ngũ hơn như đi thu mua gạo ở các vùng thôn quê là một cơ hội tốt nhất để trốn về phía Quốc Gia.
“Tôi hỏi một quy chánh viên:
- Ông ra quy chính trong trường hợp nào?
- Đi lấy gạo . Phần lớn chúng tôi chỉ có thể lợi dụng đi lấy gạo, hay ở bệnh viện ra thì mới trốn được mà thôi .
- Mỗi lần đi lấy gạo có bao nhiêu người?
- Thường là 10 người
- Ông lấy gạo ở vùng nào?
-Vùng Chợ Cát, ( Bình Định) . Mỗi người lấy hai gạt đổ vào ba lô. Chỉ ăn 5,6 hôm là hết và lại phải đi .. Sau đó, họ được hưởng một sinh họat phí đồng đều là 20 đ/ một ngày . Nhưng để cho các quy chính viên có một sự ưu đãi hơn, một vài nơi đã linh động cắt bớt sinh hoạt phí của tù binh đi rồi bù đắp cho quy chính viên ..(18)
(18) Trường Sơn, Ibid, trang 199
Người ta phỏng đoán có khoảng 300.000 vừa là TNXP, vừa là cán binh bộ đội đã đào ngũ hay mất tích hoặc chấm dứt đời sống.
Bệnh tật như kiết lỵ, sốt rét đã nhanh chóng hoàn tất cuộc đời của họ mà có thể chưa một ngày lâm trận. Thân xác chỉ còn là những bộ xượng lụi tàn, nằm chờ chết như một niềm an ủi cuối cùng ..
Xin một lần đọc Xuân Vũ mô tả những trận sốt rét rừng:
“Thôi đích thị hắn rồi ! Thằng sốt rét lại đến viếng tôi. Tôi hình dung rõ từng đợt vi trùng . Chúng hình tròn hoặc hình lưỡi lam theo lời bác sĩ giảng . Chúng xông vào cắt những túi hồng huyết cầu vỡ ra, hoặc quấn lấy những túi ấy và cũng làm cho nó vỡ ra, tồi xoắnn lấy từng túi mà tiêu diệt.
Sau cuộc ác chiến, khi hồng huyết cầu chống lại có kết quả thì con người cứ eng eng không lên cơn hẳn, còn khi lũ vi trùng lấn lướt hoàn toàn thì bịnh nhân run lên ngay và xác hồng huyết cầu bập bềnh trong máu …Tôi rất bình tĩnh nhưng lại vô cùng ngao ngán, bởi vì tôi biết bản thân mình đang lao vào một cuộc chiến đấu mà tôi biết trước kẻ chiến bại sẽ là tôi”.(19)
(19) Trích Xuân Vũ, Đường đi không đến, trang 110
Nhưng ngoài những cơn sốt rét, còn lại đủ loại cơn sốt như Xuân Vũ viết:
“Nhưng đây không phải chỉ là một cơn sốt tầm thường, một cơn sốt hơn mọi cơn sốt, cơn sốt vàng kí nin, cơn sốt đỏ của những nốt muỗi đố, cơn sốt của thế kỷ 20, cơn sốt của lòng tin và sự đổ nát, cơn sốt của chủ nghĩa và sự suy đồi trông th (…) Cơn sốt của những canh bạc mù quáng, cơn sốt của những con vẹt ăn phải quả dại, giờ bỗng nhiên câm mồm, cơn sốt của những bạo chúa khoác áo thánh thần …”. (20)
(20)Xuân Vũ, Đường đi không đến, trang 83
Những điều Xuân Vũ viết ra cách đây đã nửa thế kỷ mà xem ra bây giờ vẫn còn đúng!
Cũng theo Xuân Vũ:
“Để vun bồi “uy tín”(hão) cho một người hoặc một vài người trên dãy Trường Sơn này, núi rững đã phải nhận hàng vạn bộ xương khô, hằng vạn nấm mồ không có nấm, không có bia.
Trong không khí Trường Sơn lúc bấy giờ có vô số sự uế tạp: nào mùi thuốc đạn, nào mùi thây ma sình thối, nào hơi lá mục muôn thuở của rừng hoang, cộng vào đó trời mưa nắng bất thường. Cứ mưa xong lại nắng, đang nắng lại đổ cơn mưa, cho nên bệnh thương hàn, kiết lỵ rất phổ biến.
Hay có thể nói là gần 70% người mắc những chứng bệnh này. Thế là ngoài sốt rét rừng ra, chúng tôi còn có thêm thương hàn, kiết lỵ”.
Có người bị một lúc cả hai chứng: thương hàn và kiết lỵ hoặc kiết lỵ à sốt rét. Binh tướng nào còn có tinh thần chiến đấu. Hoạ chăng có Gia Cát Lượng tái sinh mới điều khiển nổi nổi đám quân ọc cạch như vậy “.(21)
(21)Trích Xuân Vũ, Xương trắng Trường Sơn, trang 330.
Nhưng những tiết lộ của Xuân Vũ qua nhân vật bác sĩ Cường sau đây thì thật không thể nào tưởng tượng ra được. Theo lời của bác sĩ Cường kể lại cho bác sĩ Năm Cà Dom thì khi có quá nhiều thương bệnh binh mà không có thuốc men để chữa trị được. Để thì bệnh nhân trước sau gì cũng chết. Theo lời bác sĩ Cường kể lại:
“-Ừ đúng thật. Vô nhân đạo, dã man, tán tận lương tâm nữa, nhưng mà nếu để cho họ rên siết, vật vã, lăn lộn, mà mình không cứu chữa cũng không kéo dài được sự sống của họ thêm phút nào, thì lại càng dã man, tán tận lương tâm hơn. Tớ đã suy nghĩ rất nhiều, thấy mình ác, tệ thật. Nhưng làm sao ? Đứt động mạch, vỏ não bị thương, gãy đốt xương sống vv.. cậu có là thánh cũng đành co tay ở đây … Nhưng tớ không ra lệnh. Tớ cứ để cho tổ lao động họ làm. Bề nào cũng chết thà chết sớm cho đỡ đau khổ ..
Sau khi nghe xong câu chuyện, bác sĩ Năm Cà Dom mới hiểu rõ câu chuyện.
” Thật là ngoài sức tưởng tượng. Thảo nào tôi trông thấy những cái hầm giống như những ccái huyệt mô dưới đó có những thương binh nằm sẵn. Khi cần, cứ lấp đất, tiện lợi biết bao (22)
(22)Trích Xuân Vũ, Xương trắng Trường Sơn, trang 263.
Theo ông Bùi Tín, người đã từng đi trên Đường mòn Hồ Chí Minh vào thập niên 1961 đã nhận xét như sau về con đường này:
“Thế nhưng, số người hy sinh trên con đường mòn này không phải là ít. Cách vài binh trặm( mỗi binh trạm cách nhau 20 đến 30km) lại có một nghĩa trang, chôn cất anh em hy sinh trên con đường mòn. Hồi ấy có đến vừa đúng 10 kiểu chết khác nhau trên con đường hành quân Nam-Bắc. Lạc đường trong rừng rậm, đi miết, không tìm được lối trở ra, bị chết đói. Đi tốp nhỏ, ngủ đêm bị hổ vồ. Trời mưa, không nhìn rõ, đạp lên rắn độc, bị cắn chết . Bị đau ruột thừa cấp tính, hoặc bị sốt rét ác tính không chữa chạy kịp. Mắc võng dưới cây to, có cơn lốc bất thường, cành cây lớn gẫy hay cành cây to đổ, bị đè chết. Qua suối lớn, nước chảy xiết, cầu trơn trượt chân, bị cuốn đi, không cứu kip. Có khi chỉ con vắt xanh, hàng trăm, hàng nghìn con ngọ nguậy trên đường ngửi thấy hơi người, bám vào chân rồi leo lên người ở nơi có động mạch, hay nơi có tĩnh mạch lớn, cắn và hút thỏa sức; thường là ở nách, ở bẹn và cả bộ phận sinh dục của nam và nữ, không cầm máu được. Có khi leo núi đá đầy rêu, trời mưa, đất trơn như đổ mỡ, trượt chân nhào xuống vực sâu cùng với ba lô nặng sau lưng. Lại có khi ăn phải nấm độc, rau độc, không cứu kịp. Chưa nói đến vụ lụt cực lớn trên rừng như năm 1965 ở (Tây guyên, nhà cửa, trâu bò, heo, gà và cả người nữa bị nước dâng lên cao và cuốn đi. Vậy mà chúng tôi vần nhẹ nhàng dấn thân vì có một niềm tin vững hắc ơ thắng lợi, vì luôn luôn nghĩ: ” Chí làm trai thời loạn, phải có mặt ở nơi mũi nhọn. Cầu an, bảo mạng, nhường hy sinh gian khổ cho người khác là sự ươn hèn và ích kỷ đáng hổ thẹn với lương tâm” (23).
(23)Trích Bùi Tín, Hoa Xuyên Tuyết, trang 26-27
Cuối cùng là một con số không kể xiết những người tự nguyện chấm dứt cuộc đời ..
Còn nếu không tự chấm dứt cuộc đời thì nhiều TNXP trở thành điên khùng, rồ dại như Dương Thu Hương viết trong tiểu thuyết Vô Đề:
“Mấy cậu sốt rét ác tính điên rồ, cởi hết áo quần ra mà nhảy múa la hét” .
Phần ông Nguyễn Văn Đệ, trong Một thời oanh liệt của TNXP nhắc đến một tình huống dẫn đến Hội chứng sau đây:
“Có khi chị em đang xúm lại đọc một lá thư của gia đình gửi đến, bỗng một người xúc động khóc nấc lên, thế là cả tiểu đội, đại đội như có sự phản ứng kích động dây chuyền tất cả đều la hét khóc toáng lên và cứ thế lan từ đại đội này sang đại đội kia. Họ khóc, họ kêu, họ chạy, họ nhảy, thậm chí trèo lên cây nói cười lảm nhảm hàng tiếng đồng hồ”.
Xuân Vũ trong Xương trắng Trường Sơn viết :
“Tôi được nghe anh em kể lại thì đêm qua lúc ai nấy đang ngủ, hắn ta cũng đang ngủ, bất thình lình, hắn tung màn ra nhảy xuống đất và kêu lên những tiếng thất thanh, rồi cứ như một thằng mất trí, hắn tuôn rừng lướt bụi chạy mãi, vấp té, lại ngồi dậy, lại chạy. Anh em đuổi theo bắt, nhưng không tài nào giữ hắn lại được. Mãi cho đến lúc trưa này, họ mới bắt hắn về trói lại và đi bá cáo cho tôi ..
Bỗng bệnh nhân cười lên và nói như hát.
- Út út út ! Rầm rầm rầm !
Tôi nhớ lúc sau trận máy bay B.52 oanh tạc, đơn vị phải gấp rút di quân, tôi thấy có một người bị đồng đội dắt đi bằng một sợi giâ mây. Và một người khác chạy bạt mạng qua những hố bom còn nghi ngút khói “(24)
(24)Trich Xuân Vũ, Xương trắng Trường Sơn, trang 328-329
Đó là hiện tượng cuồng điên tập thể . Nhà văn Võ Thị Hảo sau này đã viết truyện: Người xót lại của Rừng Cười ..
Câu chuyện kể về 4 cô gái giữ kho quân nhu trên đường Trường Sơn mà dòng nước xanh đen thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc của họ. Thảo, môt cô gái thứ năm gia nhập nhóm 4 cô gái và họ hy vọng dùng các lá thơm cho Thảo gội để không cho rừng cướp đi mái tóc đẹp của Thảo.
Nhưng chỉ hai tháng sau, tóc của Thảo chỉ còn là một túm sợi mỏng manh xơ xác .. Các cô gái ôm nhau khóc cay đắng. Nhưng Thảo chỉ cười và khuyên các cô đừng khóc làm gì vì em có người yêu học văn khoa Hà Nội: Em thế này chứ em có trọc đầu thì anh ấy vẫn yêu cơ mà ..
Họ đã ở đây qua ba mùa mưa rầu rĩ. Chợt một ngày có ba người lính đến lĩnh quân trang .. Anh bị một con “vượn người” lõa lồ ôm chặt, nó phát ra những tiếng cười khanh khách. Trên sàn chòi còn lại ba cô gái đang vừa cười, vừa khóc, tay dứt tóc và xé quần áo. Còn một cô đang chạy tới chạy lui ôm đầu tuyệt vọng . Cô chưa bị lây, nhưng- với cung cách này, chẳng bao lâu, cô ta cũng sẽ không thoát nổi ..
Khi các cô chợt tỉnh lại thì ba người lính đã bỏ ra đi và các cô đọc được mảnh gấy ghi lại :
” Kính chào các đồng chí. Chúng tôi sẽ lấy quân trang ở một kho khác và gọi bác sĩ đến. Các đồng chí thân yêu. Chiến tranh mà. Mong tha lỗi vĩnh biệt”.
Vài ngày sau, cô y tá đến, cho các cô gái uống thứ thuốc gì đó màu trăng trắng . Không thuốc thì cũng đã khỏi. Nhưng các cô gái trầm lặng hẳn và già thêm hai mươi tuổi.
Cánh rừng nay được mang tên “Rừng cười” từ đó.
Một ngày kia, tiếng súng địch tới gần và cả bốn cô đã hy sinh. Riêng Thảo sốt nặng- những trận sốt rét nhập môn cho người ở rừng- đã được các cô đem đi dấu ở một gốc cây kín đáo nên Thảo còn sống sót.
Riêng Hiên, người lính đằ cứu các cô gái trong cơn điên loạn cũng bị hy sinh ..Người ta đang làm giấy gửi ra Bắc để truy tặng huy hiệu anh hùng thì chính trị viên đọc được những dòng này trong cuốn nhật ký của Hiên dấu trong ba lô :
“Sẽ không bao giờ mình quên được những người đã nhìn thấy ở Rừng Cười. Có lẽ cảnh chết chóc còn dễ chịu hơn ! Ôi ! Thế là sau chín năm ở chiến trường, tôi đã nhìn thấy ở Rừng Cười cái cười méo mó man dại của chiến tranh.
Việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào cuộc chiến thật là khủng khiếp. Tôi sẵn sàng chết hai lần cho họ khỏi rơi vào cảnh ấy.
Tôi rùng mình khi nghĩ rằng, người yêu tôi, em gái tôi, cũng đang cười sằng sặc như thế, giừamột khu rừng mênh mông nào đó “.
Vì những dòng này, người ta kết luận rằng Hiên có tư tưởng dao động, sặc mùi tiểu tư sản (anh vốn là sinh viên) . Hành động anh hùng của anh chỉ là ngẫu nhiên, bột phát. Chính trị viên nói : ” Anh ta không bị kiểm thảo là may rồi .”
Hai năm sau, Thảo- người sót lại của Rừng Cười- đang học năm thứ nhất khoa văn.
Số phận dành cho Thảo như thế nào có lẽ mỗi người tự tìm cho mình một câu trả lời .
Sau chiến tranh, hầu hết họ trở về trong thân thể úa tàn, khô héo, da dẻ nhăn nhẻo, bệnh tật..và khuyết tập trong một tâm hồn đã đánh mất tuổi thanh xuân và tuổi trẻ.
75% phần trăm số họ quay trở về nghề nông vì không có học thức, không có ngành nghề. Và kéo lê cuộc sống không chồng, không nhà, không con, không chế độ và sống đời sông độc thân vì không người đàn ông nào đoái hoài đến họ.
Vấn đề quan trọng nhất là giúp họ phục hồi lại nữ tính đã bị đánh mất trong những năm tháng trên đường Trường Sơn.
Nhưng đánh mất tuổi trẻ thì lấy gì phục hồi lại?
Nhưng ai cũng hiểu rằng điều đó chẳng bao giờ có cơ thực hiện nổi vì chế độ nay chẳng bao giờ quan tâm đủ đến họ.
Trường hợp nhà văn Xuân Vũ, ông đã may mắn thoát nạn trên đường vượt Trường Sơn, ông đã may mắn đên nơi đến chốn. Đường Trường Sơn đã để lại sinh mạng của nhiều người chỉ còn là những bộ xương trắng. Nhưng dù gì, ông cũng đã tiêu phí hơn 20 năm tuổi trẻ để đi trên con đường này mà nay bí lối: Đường đi vẫn không đến. Đến mà không đến. 37 năm sau con đường Trường Sơn ngày hôm nay đã đi đến đâu?
Mặc dầu Hồi Ký của Xuân Vũ phơi bày ra những cảnh tượng mà sức người không tưởng tượng ra nổi. Vậy mà ộng tiểu đòan trưởngng của bộ đội chánh quy miền Bắc xâm nhập sau đã tìm Tự do sau khi đọc xong cuốn Đương đi không đến: ” Văn thì hấp dẫn nhưng chuyện khổ thì không ăn thua gì với sự chịu đựng của đơn vị tôi “.
Những chứng từ liên quan đến số phận những con người đi trên đường Trường Sơn
Hồi ký của Xuân Vũ
Có lẽ nhiều người không lạ gì 5 cuốn ký sự của nhà văn Xuân Vũ, Bùi Quang Triết viết vê Con đường Trường Sơn. Đó là các cuốn Đường Đi không đến, Xương Trắng Trường Sơn, Đến mà không đến, Đồng Bằng gai góc và Mạng người lá rụng.
Mỗi nhan đề sách gửi đi một thông điệp, một lời tố cáo về cuộc chiến tranh xảy ra trên Đường mòn Hồ Chí Minh.
Ông vốn là người sinh trưởng ở miền Nam, theo cộng sản rồi tập kết ra Bắc vào năm 1955 khi còn rất trẻ. Ông trở lại miền Nam năm 1971 nhờ đó có dịp đi trên con đường Trường Sơn để viết lên những tập Hồi ký này. Vốn là một nhà văn, nhà báo đã từng sống nhiều năm ở ngoài Bắc nên ông quen biết nhiều trong giới văn nghệ sĩ miền Bắc. Những tiết lộ của ông về giới văn nghệ sĩ sau này sẽ là nhưng tư liệu văn học quý giá.
Nhưng những chứng từ về con đường Trường Sơn vẫn là nhưng giá trị sử liệu vô giá.
Đó là giá trị tố cáo.
Thật vậy .. ” Con đường chập chùng rừng núi không tên đã dìm chết bao nhiêu người có tên, nhưng khi nằm xuống thì nấm mộ lại không tên (25)
(25 )Xuân Vũ, Mạng người lá rụng trang 10.
Mỗi tiêu đề cuốn sách của ông tự nó mang tính tố cáo.
Trong Đường Đi không đến, nhà văn Xuân Vũ lấy kinh nghiệm lúc còn nhỏ thường nhìn thấy chiếc xe ngựa quen thuộc chạy từ làng lên quận. Con ngựa già, ốm yếu hầu như không đủ sức kéo xe nữa. Lão già chủ xe đã nghĩ ra cái kế buộc một mớ cỏ non trên cáng của xe ngựa. Mỗi lần con ngựa được buộc vào cảng xe thì thấy trước mặt nó đám cỏ non trước mặt. Cái mớ cỏ non đó nhảy múa trước mặt con ngựa và thúc dục nó chạy tới.
Đó là hình ảnh biểu tượng của chế độ Đảng lãnh đạo và nhân dân là con ngựa già ..
Sự thảm khốc trên con đường mòn này không hẳn do thiên nhiên gây ra như rừng thiêng nước độc mà còn do sự vô trách nhiệm của lãnh đạo Hà Nội. Bộ Tổng Tư lệnh được Tổng cục Hậu cần bá cáo là đường đi tốt lắm, trang bị quân sĩ rất đầy đủ, chiến sĩ và cán bộ rất phấn khởi khi được đi giải phóng miền Nam.
Nhiều thanh niên như Phẩm đã bị lừa:
” Em dang học lớp 10 một tì bị động viên . Em được đưa vô thẳng trong này. Ở trên hứa sẽ cho về Hà Nội học tiếp sau sáu tháng phục vụ ở Trường Sơn”.(26)
(26) Mạng người lá rụng, Xuân Vũ, 20
Và đã bao nhiêu mùa lá rụng, Phẩm vẫn đóng trụ một mình trên đường Trường Sơn? Và chẳng hiểu đã có bao nhiêu thanh niên như Phẩm đã tình nguyện hy sinh trên con đường này để giải phóng miền Nam?
Phẩm chợt hiểu rằng: Con đường này một khi đã dẫm lên là kể như phân nửa cuộc đời đã hy sinh cho Tổ quốc.
Nhưng Hồi ký của Xuân Vũ mới chỉ nói lên được một nữa những khổ đua của đoạn đường mòn này .
Phải đợi sau khi hòa bình trở lại, đất nước được thống nhất. Nỗi đau của con đường Trường Sơn mới thật sự là nỗi bất hạnh cho những người đã từng hy sinh tuổi trẻ của họ cho mảnh đất ấy.
Những phần viết sau đây hãy để cho họ cất lên tiếng nói- tiếng nói không hận oán- mà làm xao động lòng người. Trong cuộc chiến giữa đôi bên này, hãy khoan nói đến điều gì lý tưởng.
* Tiếng nói của Vụ Thi Vinh
Cô là đại diện một trong số trên 10 ngàn TNXP tình nguyện đi công tác ở đường Trường Sơn. Trường Sơn làm nên cuộc đời cô. Cô đã nghĩ như thế. Đoàn của chị Vinh được thành lập vào năm 1956. Nhiệm vụ của cô và các bạn là chặt cây, mở đường, làm đường và lấp đầy các hố bom và nguy hiểm hơn nữa làm nổ các quả bom đã rơi xuống mà chưa nổ.
Theo Vinh, chặt và đốn các cây rừng là một việc thập phần gian nan, vượt sức người (superhuman task). Trong trường hợp gặp cây lớn quá không cưa nổi, chúng tôi phải cho nổ mìn. Phải cần 20 người mới có thể cưa và chuyển dịch một cái cây lớn sang bên cạnh đường.
Tất cả đều làm bằng tay!!!
Phần lớn thì giờ làm việc là vào ban đêm. Ban ngày ngủ. Nhưng khi công việc khẩn cấp thì phải làm cả đêm lẫn ngày như lấp hố bom lại ..
Chẳng cần phải nói thì đời sống trong rừng là cực kỳ gian nan và vất vả . . Khi thiếu gạo thì phải tìm bất cứ cái gì có thể ăn được cho đỡ đói. (27)
(27)Patriots, The Viet Nam War, Chistian G. Appy, trang 103
* Tiếng kêu của Nguyễn Thị Kim Chủy: We came home hairless with ghostly white eyes
Khi chúng tôi được trở về với gia đình thì đầu tôi đã rụng hết tóc và tròng mắt sâu hóm, trắng dã ..
Tôi đã tình nguyện đi lên Trường Sơn và đã ở đó trong 4 năm. Chúng tôi làm việc ở Quảng Bình, cửa ngõ đi vào Trường Sơn .. Chúng tôi hứng chịu nhiều bom đến độ có thể phân biệt được các loại bom qua tiếng nổ của nó.
Một lần, chỉ trong một ngày, chúng tôi hứng chịu 7 trận bom. Và thế là chúng tôi phải làm ngày, làm đêm để lấp các hố bom ..Người đội trưởng của tôi sai tôi đi xem xét nhóm TNXP khác ở cách chỗ chúng tôi làm khoảng 100 mét. Khi tôi gần đên chỗ họ thì tôi trông thấy những quả bom đang rơi xuống trúng vào hầm tránh bom của đám bạn. Có 5 người thì 4 người chết, xác không toàn thây, không nhận diện được. Họ chỉ còn là một đống da thịt bầy nhầy. Chỉ có một người còn có thể nhận ra diện mạo. Cạnh đó có một bà chắc là đại diện chính quyền địa phương đến thăm chúng tôi. Bà cũng bị chết thảm trên tay bà còn nắm chặt một đứa bé khoảng hai tuổi. Chúng tôi đành chôn chung cả hai mẹ con.
Sau khi chôn cất mấy người xong .. Chúng tôi còn lại hai hố bom phải lấp .. Chúng tôi tiếp tục làm việc như thể không có việc gì xảy ra cả.
Khi còn ở nhà, tôi chưa hề bao giờ thức đêm cả. Nay công việc đòi hỏi phải làm ban đêm. Tôi mất ngủ và nhiều khi ngủ đứng, vừa đi vừa ngủ. Một lần, tôi ngủ như thê và ngã chúi vào một bụi cây, họ phải đến kéo tôi ra.
Sau chiến tranh tôi trở về quê ở ngoại ô Hà Nội. Tôi bị mắc bệnh sốt rét ngã nước như phần đông các đồng chí khác. Đầu rụng hết tóc, da bủng, đau nhức khớp xương. Và nhiều phụ nữ khác tuyệt đường sinh đẻ .
Tôi có người bạn trai ở cùng xóm, tôi biết rằng mình không còn đủ năng lục sức khỏe để lập gia đình, tôi đành xin chia tay anh .. Tôi rất buồn và đau khổ bởi vì nhà anh ở không cách xa nhà tôi lắm.
Nay, tôi chỉ cân nặng có 37 kí lô ..Tôi đã xin chị tôi một đứa con và nhận nó làm con nuôi .(28)
(28)Trích Patriots. The Viet Nam war, Christian G. Appy, tran106
* Làng không chồng ở Tiên H
Đường về xã miền núi Tiên Hà gập ghềnh, heo hút bởi nhiều đoạn đèo dốc dựng đứng, khúc khuỷu. Xã có hơn 800 hộ dân, sống rải rác khắp các vùng đồi, trong đó hơn 1/3 là những “gia đình không có đàn ông”. Số lượng phụ nữ đơn thân cứ tăng lên mỗi ngày và người ta bắt đầu gọi Tiên Hà là làng… không chồng! Nhưng tiếng đời thị phi không ngăn được khát vọng làm mẹ của những người phụ nữ trên đất này.
Đi khắp làng, đâu cũng chỉ thấy những dây phơi toàn quần áo của đàn bà và trẻ nhỏ. Bà Nguyễn Thị Cúc, 70 tuổi, ở thôn Đại Tráng đúc kết: “Vì trong làng không có đủ con trai để cho con gái cưới, nên đàn bà ở giá nhiều là phải”. Đúng là ở Tiên Hà có chuyện âm thịnh dương suy. Đàn ông đã ít, lại bỏ đi làm ăn xa biền biệt. Về Tiên Hà chỉ bắt gặp toàn những người đàn bà lam lũ, dắt díu theo sau những đứa con lem luốc hoặc những phụ nữ rỗi việc, tụ nhau thành nhóm ngồi tán gẫu ở các ngã ba đường.
Chị Chử Thị Ninh ở thôn Trung An, tuổi đã 42, tự túc được mụn con trai lên 10, nói: “Tiên Hà xa xôi quá, ai mà thèm tới, phải tự túc thôi. Có được chồng mới là chuyện… lạ!”. Đúng là xa xôi thật, lại thêm cái “dốc Si không đi thì bò” chổng ngược, khiến Tiên Hà gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Người dân nơi đây hiếm khi ra khỏi làng thì làm sao người ngoài dạm tới.
Chị Nguyễn Thị Ánh Liên, cán bộ tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam, cho biết:
“Thế hệ phụ nữ đơn thân lớn tuổi nhất ở Tiên Hà bây giờ là những cô gái thanh niên xung phong năm xưa trong “tiểu đoàn bà Thao”. Trở về sau chiến tranh, hàng chục người không còn cơ hội làm vợ, làm mẹ”.
“Tiểu đoàn bà Thao” là tên một đơn vị quân đội do người phụ nữ tên Thao chỉ huy, tham gia tải đạn và lương thực cho quân đội ta trên Đường 9 Nam Lào vào những năm chống Mỹ ác liệt. Những cái tên “vang bóng một thời” như Hai Khởi, Bốn Thời, Tám Hồng, Hoa, Tân… của đội ngày ấy, nay đã ngấp nghé tuổi 60, sống quạnh quẽ tuổi già trong nghèo khó.
Bà Nguyễn Thị Khởi, một trong những nữ thanh niên xung phong đó, kể: “Tôi cưới chồng năm 1965, sau đó ra mặt trận. Năm 1982, tôi trở về thì chồng đã hy sinh. Lúc đó tôi đã 36 tuổi, ai mà ưng nữa, đành tự túc kiếm con nuôi”. Bà Khởi “tự túc” được 2 đứa con, một trai một gái, nhưng đứa con trai tên Phạm Thanh Trà chẳng may bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, sống đời sống thực vật. Nỗi đau lại đè xuống đôi vai của bà Khởi thêm lần nữa.
Người đồng đội của bà Khởi là bà Bốn Thời nay cũng bước qua tuổi 59. Năm 1964 kết hôn, năm 1967 ra trận. Ba năm sau, chồng bà hy sinh nhưng mãi hơn 2 năm sau bà mới biết. Nén nỗi đau, bà thầm lặng trở về chịu cảnh phòng không và đến năm 1984 mới “kiếm” được bé Tuyết. Năm 2000, bé Tuyết lên lớp 11, trong một chiều đi học về bị nước lũ cuốn trôi. Bà Thời khóc hết nước mắt, tiếp tục đơn độc trên hành trình tuổi già.
Không thể kể hết những thân phận hiện thời của những thành viên trong “tiểu đoàn bà Thao” năm xưa. Bà Tám Hồng sống cả đời cô độc, vừa mất bởi bệnh ung thư, nay không người thờ phụng. Bà Hoa, bà Tân cũng lặng lẽ trở về sau cuộc chiến, nay đau đáu phận phòng không. Bà Thời từ chối biết bao nhiêu mối tình đẹp khi đi kháng chiến bởi đã có chồng, để rồi cô lẻ thân cò trong thời bình…
Thế hệ phụ nữ không chồng tự túc kiếm con thứ hai ở Tiên Hà là những người đàn bà tuổi từ 32 đến 45. Dù UBND xã Tiên Hà chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo ông Nguyễn Lương Bá, Phó Chủ tịch xã, thì thế hệ này cũng đã có đến hơn 120 người. Họ “bỏ quên tuổi thanh xuân trong nghèo khó, cơ cực vào những năm 80 của thế kỷ trước. Khi ngoảnh lại, “cái tuổi đã đuổi xuân đi”, họ đành lẻ bạn, đành bằng cách này hay cách khác kiếm cho được đứa con để về già có người thờ phụng.(29)
(29 ) Trích Theo Người Lao Động
*Việt Nam: Nữ cán binh thời chiến, nỗi đau thời bình
NINH BÌNH, Việt Nam – Họ là những cô gái thời chiến, những thiếu nữ tình nguyện đầu quân vào một trong những đội nữ binh lớn nhất mà bất cứ nước nào từng đưa ra một chiến trường tân tiến. Ròng rã bao nhiêu năm, họ đã chiến đấu, tự chống đỡ bằng một giấc mơ là trung tâm của văn hóa Việt Nam:
Khi hòa bình trở lại, họ mong sẽ tìm được một tấm chồng xứng đáng và sinh con đẻ cái.
Ðối với nhiều người trong số họ, giấc mơ đó đã không thành. Trở về sau khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975, họ đã bị coi như thiếu hấp dẫn, vì bị tàn phá bởi bệnh hoạn, thiếu ăn và những cực khổ khác mà họ đã phải chịu đựng trong rừng.
Các thanh niên, những người cũng vừa trở về từ cuộc chiến, đã không đáp lại những cái liếc mắt của họ trên đường phố. Nếu tình yêu nở hoa, các cha mẹ thường cắt ngang, cấm con trai họ cưới những phụ nữ có vẻ quá yếu đuối rất khó sinh nở và nuôi con.
“Ôi, rừng sâu đã làm tôi già đi biết bao nhiêu,”
lời bà Vũ Hoài Thu, một trong số 500 phụ nữ quê ở thành phố Ninh Bình, 60 dặm phía nam Hà Nội, người đã chiến đấu trong cái mà người cộng sản Việt Nam gọi là Cuộc Chiến Chống Mỹ.
“Cuối cùng, tôi đã gặp một người con trai dễ thương. Anh ấy đã hỏi cưới tôi, nhưng cha mẹ anh không cho. Anh đã không muốn rời bỏ tôi, nhưng tôi đã thuyết phục anh là anh phải bỏ. Tôi đã quá yếu vì sốt rét và thiếu ăn. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ có đủ sức khỏe để sinh con đẻ cái cho anh ấy.”
Những phụ nữ như bà Thu hiện giờ ở độ tuổi 50, và khi họ gặp nhau để hồi tưởng những hy sinh của họ, họ nói tới sự mất mát tuổi thanh xuân trên Ðường Trường Sơn, tên mà người (Miền Bắc) Việt Nam gọi là đường mòn Hoà Chí Minh.
Họ nói về chuyện trở về nhà với đời sống khó khăn hơn là đời sống mà họ đã rời bỏ. Sự cay đắng dai dẳng vì trong suốt bao nhiêu năm họ đã là những chiến sĩ bị bỏ quên trong một cuộc chiến tranh mà những người đàn ông chiến đấu – chứ không phải phụ nữ – đã trở thành anh hùng.
“Tôi đã tưởng cuộc đời tôi sau chiến tranh sẽ giản dị và hạnh phúc,” theo lời Nguyễn Thị Bình, cân được 85 pounds khi trở về nhà. “Nhưng tôi đã để cho người bạn trai của tôi ra đi. Tôi đã nói với anh ấy rằng với những chứng bệnh của tôi, với một chân bị thương của tôi, tôi sẽ là một gánh nặng cho anh ấy.
Bà Bình đã sống một mình suốt 17 năm, một hình thức lưu vong trong một xã hội nặng về gia đình trong đó những phụ nữ hiếm muộn và những cặp vợ chồng không con là những đối tượng để thương hại. Thế rồi, trước sự thúc giục của những cựu đồng chí trong một đoàn phụ nữ – đoàn 559 – bà Bình đã “lấy một người chồng qua đêm” và sinh được một đứa con gái.
Bà và đứa con, tên Lan, hiện 10 tuổi, sống với nhau trên một cánh đồng lúa nhỏ do bà Bình canh tác.
“Những người tốt dành cho tôi sự hiểu biết và tình cảm,” bà Bình nói. “Và tôi biết ơn điều đó. Nhưng đôi khi những người xấu đem con họ tới nhà tôi và nói, ‘Ðừng như người đàn bà đó.’”
Những sử gia quân sự ước tính trong thập niên 1950, gần một triệu nữ du kích đã tham gia vào cuộc chiến tranh chống các lực lượng thực dân Pháp. Trong cuộc xung đột với Hoa Kỳ, 40% những cấp chỉ huy địa phương của Việt Cộng là phụ nữ. Một người trong số họ, Nguyễn Thị Ðịnh, là một cấp tướng.
Hàng trăm ngàn phụ nữ, hầu hết đều còn trẻ và độc thân, đã phục vụ trong những chiến khu trong cuộc chiến tranh đó. Họ điều khiển súng phòng không, xây dựng đường xá dưới sự oanh tạc thường xuyên và đi tuần trong những đơn vị hỗn hợp nam nữ.
“Chúng tôi đã sống và ngủ chung nhưng không đụng chạm,” theo lời một phụ nữ trong Ðoàn 559, người đã cho rằng có được sự kềm chế là nhờ tinh thần bảo thủ về văn hóa. “Tôi không thấy một vụ mang thai nào trong đơn vị của chúng tôi. Chúng tôi khao khát tình yêu, nhưng chỉ trong tim mà thôi.”
Những phụ nữ khác thu thập tin tình báo, do thám, chở quân và đồ tiếp tế dọc theo đường sông trên những con thuyền nhỏ.
Mai Thị Diễm đã tình nguyện chiến đấu sau khi Hoa Kỳ bỏ bom nông trại tập thể nơi bà ở, giết chết 100 người, kể cả nhiều người trong số thân nhân của bà.
“Tôi cân được 35 kilô (77 pounds) khi tôi ghi tên nhập ngũ, ban tuyển quân nói tôi quá nhỏ,” bà Diễm bị què một chân, kết quả của một vụ mìn. “Tôi nói với là họ tôi sẽ nhảy xuống cầu tự tử nếu họ không nhận tôi. Cuối cùng, họ nhận.”
Lê Minh Khuê, một nhà văn ở Hà Nội, đã viết về những gắn bó mạnh mẽ hun đúc bởi nỗ lực chiến tranh. “Tôi yêu tất cả mọi người với một tình yêu đam mê,” bà Khuê là người đã nói dối về tuổi của mình để được gia nhập quân đội vào năm 15 tuổi. Ðó là một tình yêu, bà nói, mà “chỉ có người nào đã đứng trên ngọn đồi đó trong những giây phút đó mới có thể cảm thông hoàn toàn. Ðó là tình yêu của người dân trong khói lửa, người dân thời chiến.”
Phan Thanh Hảo, một nhà báo và là đồng tác giả của một cuốn sách về những nữ chiến binh của (Bắc) Việt, đã phục vụ trên dãy núi Trường Sơn dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh.
“Phụ nữ đã làm lệch cán cân đưa tới chiến thắng trong cuộc chiến tranh,” bà nói. “Ngoài Liên Bang Sô Viết trong Thế Chiến II, không có nước nào có con số phụ nữ như vậy trong những vai trò chiến đấu trực tiếp. Tuy vậy, thật khó cho chúng tôi để trở lại bình thường. Ðối với thế hệ tôi, cho tới ngày nay, tim chúng tôi vẫn thắt lại mỗi khi nghe tiếng máy bay trên đầu.”
Những cô gái thời chiến đã trở về với gia đình nghèo khó. Thêm một miệng ăn phải nuôi đã là một vấn nạn. Gầy guộc vì bệnh hoạn và thiếu ăn, da dẻ họ đã dày dạn bởi những năm tháng trong rừng rậm, họ bị coi như không hấp dẫn như vào thời từ làng mạc của họ ra đi.
Thêm vào đó, biết bao nhiêu trai trẻ đã bị giết trong chiến tranh đến độ đám người có triển vọng làm chồng đã giảm đi. Ngay cả bây giờ, có 97.6 đàn ông cho mỗi 100 phụ nữ ở Việt Nam, một trong những tỉ số thấp nhất ở Ðông Nam Á.
“Tôi đã may mắn,” lời bà Nguyễn Thị Nhòng, 51 tuổi, một cựu chiến binh của Ðoàn 559. “Tôi đã gặp một thanh niên, rất đẹp trai, trên Trường Sơn. Anh ấy quê ở một làng lân cận, và chúng tôi đã lấy nhau. Nhưng tôi biết bao nhiêu người khác đã yêu nhau trên chiến trường và sau chiến tranh đã tìm kiếm, rồi tìm kiếm nhưng không bao giờ có thể tìm được nhau.”
Nhiều người trong số các phụ nữ đã hồi phục sức khỏe và kết hôn. Những người khác còn độc thân đã tới sống trong những ngôi chùa Phật Giáo hoặc trong những công trình gia cư của chính phủ.
Vào đầu thập niên 1980, nhằm giảm bớt sự cô đơn của họ, nhà nước đã loại bỏ sự cấm kỵ về việc có con ngoài hôn nhân. Chính phủ loan báo rằng những bà mẹ không kết hôn và con cái của họ sẽ được coi như gia đình và được cấp đất để làm ruộng. Hàng ngàn phụ nữ đã lấy “một người chồng qua đêm.”
Khi chiến tranh kết thúc, đàn ông đã trở lại vai trò người chủ gia đình. Họ quyết định chi tiêu bao nhiêu tiền, quyết định gia đình bao nhiêu người mà không tham khảo với vợ và giữ văn tự đối với mọi tài sản. Sự làm ngơ với phương pháp ngừa thai khiến phá thai trở thành phương tiện hàng đầu trong nước để kiểm soát sinh sản. Sự ham mê nhậu nhẹt của họ đóng góp vào tình trạng bạo lực trong gia đình.
Và những phụ nữ của Ðoàn 559, những người đã tham gia cuộc chiến với tính cách những thiếu nữ tình nguyện, đã được tặng một huy chương đặc biệt như là những “Chiến Sĩ Trường Sơn.”
Ba trong số những người đó đã mặc những bộ đồng phục cũ tới một cuộc tái hợp mới đây ở Ninh Bình. Họ và nửa tá người nữa đã tụ tập tại một tiệm ăn nhỏ để vinh danh 40 người đã không trở lại từ Trường Sơn và 50 người khác đã trở về như những người tàn phế.
Họ đã chuyện vãn và trao đổi kỷ niệm, và khi bữa ăn trưa được dọn ra, người chỉ huy của đoàn, Trần Thị Bình, đã đứng lên và loan báo rằng bà muốn chia sẻ với các bạn một bài thơ do bà sáng tác, “Thời Con Gái.” Bài thơ dài, và bà đọc từ trí nhớ theo lối diễn ngâm, đôi mắt bà nhắm lại.
Tôi muốn đốt một nén hương
cho những người con gái xấu số.
Dù họ không bao giờ trở lại,
chúng tôi, những người đánh mất tuổi thanh xuân,
vẫn đợi chờ.
Chúng tôi, những cô gái Trường Sơn,
tóc đã hoa râm và lòng tràn đầy kỷ niệm,
Tưởng nhớ những người bạn tình
đã đi xa không bao giờ tìm được.
Những người phụ nữ khác lấy giấy thấm nước mắt khi bà Bình chấm dứt câu chuyện . Rồi bà Bình để đã kết thúc buổi họp mặt lên tiếng, “Hãy làm cho ngày hôm nay là một ngày vui đi.”(25)
(25) Trích Nguồn: Los Angeles Times, Viet-Mercury, 17.01.2003.. bản dịch Nguyễn Nhật.
Chỉ mong sau này những người phụ nữ con cháu các cô TNXP không gặp những cảnh bất hạnh như mẹ chúng nữa. Mong vậy thay.
Viết xong bài này, tôi cảm thấy như đã làm xong một nhiệm vụ ..là trải lại công đạo cho những thanh thiếu niên đà hy sinh tuổi trẻ cho những tham vọng điên rồ của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ.
Nhưng trớ chêu thay! Đáng nhẽ việc này phải do tướng Giáp làm mới phải sau khi Lê Duẩn chết ..Để cho một người ở tư thế kẻ thua trận viết thì không hay cho lắm .. Tôi tự hỏi sau nội chiến Nam- Bắc chiến tranh của Hoa Kỳ năm 1865 xong thì tướng Grant, miền Bắc đã làm gì?
Các binh lính phía miền Nam được cho phép giữ lại lừa ngựa để về làm ăn sinh sống.
7000 tử sĩ của cả hai bên đã được an táng và chôn cất chung một nơi ..
Lê Duẩn, Lê Đức Thọ không nói làm gì! Nhưng phần Tướng Giáp đã không làm được những điều xem ra đơn giản như thế
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment